TOUGH TOMATOES — VIETNAMESE TRANSLATION

Sử dụng giống cà chua kháng bệnh chống lại bệnh héo rũ gây ra bởi nấm fusarium trong đất

Image

GIAO NGUYỄN
CHUYÊN VIÊN NGHIÊN
CỨU RAU, BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN

Image

CRAIG WEBSTER
CHUYÊN VIÊN PHÒNG
THÍ NGHIỆM BỆNH CÂY TRỒNG,
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN
NÔNG THÔN

Bệnh héo rũ do nấm fusarium (Fusarium oxysporum f.sp. lycopersici), còn được gọi là bệnh héo xanh, là một vấn đề rất nan giải đối với những nông dân trồng cà chua ở vùng Carnarvon. Nấm fusarium sống trong đất và có thể tồn tại nhiều năm mà không cần ký chủ. Nấm xâm nhập qua rễ, lan truyền trong cây qua mạch dẫn và tích tụ trong mô mạch. Khi nấm đã tích tụ nhiều sẽ gây tắc nghẽn các tế bào mạch dẫn của cây, làm cây không thể hút đủ nước và chất dinh dưỡng từ trong đất, dẫn đến cây vàng lá, héo úa và cuối cùng là chết.

Cây bị nhiễm bệnh thường xuất hiện những triệu chứng điển hình ở giai đoạn chùm bông 4 - 5. Bệnh này gây thiệt hại nặng, làm giảm đáng kể năng suất và sản lượng cà chua. Ngoài nấm fusarium, đất canh tác tại các nông trại ở Carnarvon thường tồn tại một lượng lớn tuyến trùng (Meloidogyne spp.) gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây rau. Tuyến trùng ở trong đất sẽ tấn công vào rễ cây, làm giảm sức đề kháng của cây đối với mầm bệnh và tăng khả năng nhiễm nấm fusarium.

Hiện nay, không có biện pháp kỹ thuật nào để có thể loại bỏ hoàn toàn nấm fusarium khỏi khu vực đất nông trại đã bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một số biện pháp đã được khuyến cáo sử dụng để giảm bớt tác động gây hại của bệnh:

sử dụng hóa chất xông hơi khử trùng đất để giảm lượng nấm fusarium có trong đất

sử dụng giống kháng bệnh

áp dụng phương pháp luân canh cây trồng

khử trùng dụng cụ và máy móc làm đồng khi di chuyển giữa các thửa ruộng

áp dụng kỹ thuật bón phân cân đối, không thừa đạm

Image

RUỘNG cà chua nhiễm bệnh nấm héo rũ fusarium.

Nông dân trồng cà chua ở Carnarvon thường sử dụng thuốc xông hơi để khử trùng và loại bỏ tất cả các mầm bệnh sinh ra từ đất, bao gồm cả nấm fusarium. Tuy nhiên, việc xông hơi chỉ có hiệu quả nếu các hóa chất xông hơi được sử dụng đúng cách và đạt đủ nồng độ trên toàn bộ diện đất cần khử trùng, điều này rất khó có thể đạt được trong thực tế. Luân canh cây trồng không phải lúc nào cũng là biện pháp khả thi, đặc biệt đối với những hộ nông dân sở hữu nông trại có diện tích nhỏ, hay những người thuê trang trại hoặc làm chung với chủ sở hữu (share farmers). Việc sử dụng các quy trình vệ sinh đồng ruộng nghiêm ngặt và xây dựng các chương trình bón phân thích hợp đòi hỏi nông dân phải nỗ lực nhiều hơn và làm tăng chi phí lao động. Do đó việc phòng chống bệnh bằng cách sử dụng các giống kháng bệnh là một trong những phương pháp hiệu quả nhất về kinh tế và kỹ thuật để kiểm soát đồng thời bệnh héo rũ do nấm fusarium và bệnh tuyến trùng gây nốt sần ở rễ cà chua.

Trong vụ thu năm 2022, các chuyên viên nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã tiến hành một thí nghiệm tại nông trại Hồ và Nguyễn ở Carnarvon. Thí nghiệm được thiết kế theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên với ba lần lặp lại trên năm giống cà chua. Bốn giống cà chua kháng bệnh fusarium được cung cấp bởi các công ty hạt giống, Rifle (Syngenta), Adira (HM Clause), Monaro (HM Clause) và Babinda (Bayer). Các giống này mang các gene kháng cả ba chủng nấm fusarium gây ra bệnh héo rũ (Fol 1, 2, 3) và tuyến trùng gây nốt sần ở rễ (Mi). Giống cà chua mẫn cảm với nấm fusarium,

Image

1. So sánh giống kháng bệnh héo rũ do nấm fusarium và giống mẫn cảm. Trái: Babinda; phải: Arendell.

Image

2. Biểu hiện bệnh héo rũ do nhiễm nấm fusarium trên cây cà chua. Lưu ý vùng tế bào mạch dẫn có mầu nâu bên trong thân cây (mũi tên đỏ).

Image

BẢNG 1. TỶ LỆ NHIỄM BỆNH CỦA GIỐNG KHÁNG BÊNH VÀ GIỐNG MẪN CẢM.

Arendell (Nunhems), đang được sử dụng tại nông trại Hồ và Nguyễn, được sử dụng làm đối chứng. Arendell mang tất cả các gene kháng tuyến trùng gây nốt sần rễ (Mi), nhưng chỉ mang các gene kháng hai chủng nấm fusarium (Fol 1, 2). Kết quả kiểm tra đất trước và sau khi khử trùng bằng hóa chất cho thấy vẫn có sự hiện diện của mầm bệnh nấm fusarium và một lượng nhỏ tuyến trùng gây nốt sần rễ (số liệu không được trình bày ở đây). Thí nghiệm được trồng vào ngày 18 tháng 3 năm 2022 và hoàn thành vào ngày 9 tháng 7 năm 2022.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tất cả các giống mang gene kháng đều không có biểu hiện bị nhiễm bệnh, trong khi giống mẫn cảm Arendell có tỷ lệ biểu hiện bệnh, chết hẳn và/hoặc đang chết, từ 40% – 60% (Bảng 1). Kết quả cũng cho thấy bệnh héo rũ gây ra bởi chủng nấm fusarium số 3 (Fol 3) có ở đất vùng Carnarvon có thể được kiểm soát tốt bởi các giống cà chua mang gene kháng chủng số 3.

Giống Babinda có năng suất quả thương phẩm trung bình trên mỗi cây cao nhất (4,3kg), tiếp theo là Monaro (3,59kg) (Hình 1). Giống Arendell có năng suất quả trung bình trên mỗi cây thấp nhất (3,2kg). Trong các giống, giống Babinda có khối lượng quả trung bình lớn nhất (180 g, số liệu không được trình bày ở đây) và có màu sắc quả và độ cứng tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Nhìn chung, thí nghiệm sử dụng các giống cà chua kháng bệnh này bước đầu đã chứng minh rằng việc sử dụng các giống kháng bệnh là một phương pháp canh tác đơn giản, thiết thực mà nông dân trồng cà chua ở Carnarvon có thể áp dụng, để đối phó hiệu quả với bệnh héo rũ gây ra do nấm fusarium trong đất và các bệnh liên quan khác. Nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng nông dân nên sử dụng kết hợp các biện pháp quản lý cây trồng, chẳng hạn như xông hơi khử trùng đất và các giống kháng bệnh để tăng khả năng kiểm soát các mầm bệnh lây truyền từ đất, chẳng hạn như bệnh héo rũ và bình ổn sản lượng cây trồng hang năm. Bộ Nông nghiệp và PTNT, Carnarvon đang hợp tác chặt chẽ với các công ty giống để nghiên cứu xác định các giống rau có khả năng kháng bệnh và chất lượng quả thương phẩm cao.

Chúng tôi khuyến khích các nông gia ở Carnarvon muốn tham gia vào các thí nghiệm về giống rau tại ngay tại trang trại của họ liên hệ với Bộ Nông nghiệp và PTNT để thảo luận thêm.

Image

HÌNH 1: NĂNG SUẤT QUẢ THƯƠNG PHẨM TRUNG BÌNH TRÊN MỖI CÂY CỦA CÁC GIỐNG CÀ CHUA. THANH LỖI (ERROR BARS) LÀ SAI SỐ CHUẨN.


Hộp thoại 1: Ý kiến của nông dân tham gia thí nghiệm

Các chuyên viên nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có một buổi thảo luận thân mật với chủ nông trại, ông Kiếm Hồ, và hỏi ý kiến của ông sau khi thí nghiệm kết thúc.

Ông Kiếm cho biết: “Đất ruộng trồng rau của tôi bị nhiễm mầm bệnh nấm fusarium nhiều năm nay, tôi đã tìm mọi cách xử lý mà chưa thấy hiệu quả nhiều. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một thí nghiệm tại nông trại của tôi với các chuyên viên của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tôi rất có ấn tượng với kết quả nghiên cứu, chứng minh các giải pháp khả thi đối với đất đang bị nhiễm bệnh của tôi. Tôi đang lên kế hoạch sử dụng một giải pháp tổng hợp, kết hợp biện pháp xông hơi khử trùng đất và các giống cà chua kháng bệnh cho sản xuất từ nay trở đi”.

Ông Kiếm đặc biệt quan tâm đến một trong những giống đã được thí nghiệm, Babinda, giống này thể hiện tính kháng bệnh, cho năng suất thương phẩm cao nhất và chất lượng quả tốt hơn so với các giống khác.

Ông Kiếm cho biết sẽ sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào các nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT và khuyến khích các nông gia khác tham gia vào các dự án nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ông Kiếm rất mong sẽ được tiếp cận thêm với các công nghệ mới hữu ích cho nông dân trồng rau.


THÊM THÔNG TIN

Giao Nguyen, giao.nguyen@dpird.wa.gov. au, (08) 9956 3327.

Craig Webster, craig.webster@dpird.wa.gov. au, (08) 9368 3139.